Con đường tìm ra sơn dầu :
Từ xa xưa, khi bắt đầu biết vẽ, con người đã chủ ý tìm kiếm những chất liệu tốt để vẽ và mong tranh có màu sắc đẹp bền vững. Ngay từ thời cổ đại, con người đã biết dùng màu trộn với dầu để vẽ, nhưng chất liệu lúc này vẫn rất thô sơ, còn nhiều nhược điểm và hạn chế. Trải qua thời gian, nhiều thế hệ họa sĩ đã dày công tìm tòi nguyên liệu, mày mò tự chế ra sơn vẽ. Nhưng phải đến thời anh em họa sỹ Van Eyck (khoảng 1390-1441) họ mới có thành công lớn trong việc hoàn thiện và phát triển kỹ thuật vẽ chất liệu sơn dầu. Màu sắc sơn dầu đến thời kỳ này đã trong trẻo tươi sáng hơn, có độ bóng đẹp, không thấm nước, bền vững và chịu được thử thách của thời gian. Từ đó, sơn dầu được sử dụng rộng rãi, được dùng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Có thể nói, việc hoàn thiện chất liệu sơn dầu là một cuộc cách mạng kỹ thuật lớn, làm chuyển biến và nâng cao nghệ thuật vẽ tranh.
kĩ thuật vẽ tranh sơn dầu:
Có nhiều loại sơn dầu chất lượng màu cũng khác nhau: mỗi thứ đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Các màu sơn được chế tạo bởi nguyên liệu khoáng chất thường cho ta chất sơn tốt hơn cả.
Người vẽ cần có kiến thức về chất liệu sơn dầu thì tranh mới bảo tồn được lâu. Ví dụ: nếu dùng sơn pha ít dầu quá thì dễ gây nứt rạn tranh, nếu dùng dầu lanh pha với màu sáng sẽ làm màu ấy mau ngả vàng, ...
Người sản xuất sơn dầu thường lập ra bảng phân loại hoặc dùng kí hiệu in trực tiếp lên ống sơn để giới thiệu màu tốt hoặc màu kém cho người vẽ tiện dùng.
Tranh sơn dầu Việt Nam
Sơn dầu vào Việt Nam năm 1925 khi người Pháp mở trường mĩ thuật Đông Dương Tuy dạy học trò kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, nhưng Victor Tardieu và Joseph Inguimberty, hai vị giáo sư người Pháp ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám, không bao giờ tin là người Việt Nam có thể thành công với thứ chất liệu rất khó này.Là chất liệu vẽ tranh mới du nhập vào Việt Nam, nhưng nhiều họa sĩ nước ta đã thành công: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái… Tô Ngọc Vân được coi là bậc thầy của tranh sơn dầu Việt Nam.Sơn dầu giúp ông chộp được những khoảnh khắc của thiên nhiên. Ông sử dụng cấp độ màu sắc cao nhất để tạo ra vẻ đẹp bí ẩn của núi Ba Vì và sông Đà. Trong một khoảng thời gian ngắn, ông vẽ rất nhiều tranh sơn dầu về Vịnh Hạ Long, Chùa Hương, các sư sãi ở Phnôm Pênh, và cảnh nông dân cày cấy trên đồng ruộng. Một số tranh kinh điển của ông là Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ với hoa sen, Buổi trưa, Thiếu nữ tựa cột, Dưới bóng nắng, Hai thiếu nữ và em bé.Năm 1939, ông trở thành giảng viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và góp phần đào tạo một thế hệ các họa sĩ tài năng như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái,Dương Bích Liên, Huỳnh Văn Gấm, Mai Văn Hiến và Phan Kế An.Những họa sĩ sơn dầu khác như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn,Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đình Đăng... cũng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật lớn. Trần Văn Cẩn vẽ bức Em Thúy dựa theo phong cách của họa sĩ Hà Lan Vermeer de Delft. Lưu Văn Sìn vẽ bức Anh thanh niên Thổ và con ngựa hồng trong ánh sáng và màu sắc tự nhiên. Nguyễn Tư Nghiêm sử dụng sự tương phản giữa màu trắng và màu xanh lục trong bức Người gác Văn Miếu. Nguyễn Sáng chủ yếu khai thác đề tài đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bùi Xuân Phái làm mê hoặc giới sành mỹ thuật với những cảnh quan phố cổ Hà Nội.[2][3]
Do hai cuộc chiến tranh nên sơn dầu Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp.Hiện nay, sơn dầu vẫn đang là chất liệu chủ đạo của hội hoạ Việt Nam.[4]